Trên thực tế, nhiều người hầu như chưa có khái niệm gì về xây nhà đã vội vã lao vào. Mọi việc cứ theo một guồng quay, nhưng càng quay, người chủ càng thấy thấm mệt và tự trách mình không chuẩn bị kỹ. Thật là “sự đời ai có qua cầu mới hay!”.
NẮM VỮNG QUY TRÌNH:
Trước hết, bạn cần nắm vững quá trình làm nhà thường trải qua các giai đoạn sau:Giai đoạn chuẩn bị, thời gian này bạn chuẩn bị tất cả các yếu tố cần thiết liên quan đến đất đai, thủ tục giấy tờ và chọn lựa kiểu cách, vật liệu cho phù hợp. Bạn cũng cần xem xét mảnh đất của bạn liệu có đầy đủ cơ sở pháp lý để xây dựng mà không bị các cơ quan chức năng đến “thăm hỏi”? Khu vực bạn xây nhà có những quy định gì về chiều cao, độ vươn ra cho phép (ban công) hay mật độ xây dựng (có phải để lại một phần đất làm sân)? Bạn sẽ làm việc với đội thầu theo hình thức nào, khoán gọn “chìa khóa trao tay”, khoán từng phần, hay khoán riêng nhân công, chủ lo vật liệu.
Giai đoạn thi công, là thời gian tiến hành xây dựng công trình. Khi bạn chuẩn bị kỹ, lúc này mọi việc cứ “tuần tự như tiến”. Nhưng nếu bạn chưa có kinh nghiệm, hoặc bắt tay vào với quan niệm “việc đến đâu lo đến đó” mà lại trực tiếp điều hành nhiều phần việc thì sau khi xây nhà xong, bạn sẽ cảm thấy cái giá phải trả quả là quá đắt!
Giai đoạn hoàn thiện, thường là lúc mà bạn vất vả nhất. Mọi thứ vật liệu trang trí, như gạch lát nền, ốp tường, màu sơn, tay vịn, lan can…đều do bạn đích thân lựa chọn. Bạn sẽ dạo qua một thị trường muôn màu muôn vẻ các loại vật liệu quá sức đa dạng của vô số chủng loại, giá cả biến động đến chóng mặt. Bạn phải thanh quyết toán việc xây dựng công trình với nhiều loại đội thầu khác nhau.
Nắm vững ba giai đoạn trên cùng với những phần việc bạn phải làm trong từng giai đoạn, bạn mới có thể tiến hành tốt công việc. Trước khi bắt tay vào giai đoạn nào, bạn nên hiểu rõ mình cần làm gì, tìm hiểu ở đâu. Khi đã có một loạt đầu mối trong tay, bạn mới khởi động cho guồng quay thực sự, lúc bấy giờ bạn không tốn nhiều công sức.
Hơn nữa, một vấn đề quan trọng là tiềm năng kinh tế của bạn thực sự đầy đủ để xây nhà chưa? Nếu phải huy động thêm thì nguồn đó ở đâu? Dự trù kinh phí xây dựng là cần thiết, giúp bạn có thể “liệu cơm gắp mắm” không “vung tay quá trán” để rồi “kéo cày trả nợ” dài dài.
Bạn chọn lựa cho nhà mình kiểu nhà nào thích hợp, có sử dụng đến “chất xám” của nhà chuyên môn hay bạn tự mình “đạo diễn” hết? Nếu bạn tự mình thiết kế, bạn sẽ phải vất vả hơn vì thiếu kinh nghệm. Lúc này bạn càng cần xem xét, chọn lựa, cân nhắc kỹ càng để có được kiểu nhà vừa ý.
Bên cạnh đó, thời tiết cũng là nhân tố quan trọng ảnh hưởng đến thời điểm xây dựng. Thông thường người ta vẫn tránh làm nhà vào mùa mưa vì thời tiết xấu làm công trình phải gián đoạn nhiều lần, ảnh hưởng đến tiến độ và chất lượng, chắc bạn không muốn bức tường nhà mình vừa xây xong đã đổ sụp vì không chịu nổi cơn mưa rào nặng hạt? Bạn cũng nên tránh thời điểm quá nắng gắt làm sức khỏe của bạn sẽ suy giảm nhanh chóng.
Thời điểm thích hợp làm nhà, bạn sẽ thấy chẳng phải do “thầy bà” nào chọn lựa mà được. Điều đó phụ thuộc ở chính bạn mà thôi!.
NHỮNG BỘ PHẬN CHÍNH CỦA NGÔI NHÀ
Móng nhà là bộ phận chịu toàn bộ tải trọng của ngôi nhà và truyền tải trọng đó xuống nền đất.
Khung chịu lực bê tông cốt thép đỡ trọng lượng của công trình, truyền tải móng.
Sàn nhà là bộ phận cách các tầng, chịu các tải trọng do sinh hoạt. Sàn phải tựa trên các dầm của khung chịu lực.
Tường là bộ phận che chở cho ngôi nhà khỏi các tác nhân thiên nhiên và con người xâm hại, đồng thời là vật phân cách không gian sinh hoạt trong nhà.
Cầu thang là bộ phận dùng cho việc đi lại giữa các tầng nhà.
Chỉ nên bắt tay vào xây nhà khi bạn đã nắm vững quy trình xây nhà và có kiến thức cơ bản về kỹ thuật, công nghệ xây dựng. Bạn cũng nên tránh làm nhà vào mùa mưa bão.
Kinh nghiệm 1: Đất đai cuộc đua không có điểm dừng.
Tác giả KTS.Ngô Huy Nam - CTy CP Tư vấn Đầu tư Xây dựng Gia Linh.